Những tranh luận về lịch sử Hậu_kỳ_Trung_Cổ

Các sử gia vào thế kỷ 18 nghiên cứu về thế kỷ 14 và 15 cho rằng trung tâm của nó là sự Phục hưng với sự tái khám phá các kiến thức cổ đại và sự xuất hiện ý thức cá nhân.[135] Thế nhưng cũng có những tranh luận rằng thế kỷ 12 mới là thời kỳ của những tiến bộ lớn lao hơn về mặt văn hóa.[136] Một cuộc tranh luận khác là về kinh tế và nhân khẩu học, với Johan Huizinga cho rằng giai đoạn cuối Trung Cổ là một thời đại của suy thoái và khủng hoảng chứ không phải hồi sinh.[137]

Henri Pirenne là người đã đưa ra cách chia thời Trung Cổ thành ba giai đoạn đầu, giữa và cuối Trung Cổ, và ngày nay nó được chấp nhận phổ biến.[138] Mặc dù vậy nhưng các nghiên cứu sử học ở Italy tránh dùng từ giai đoạn cuối Trung Cổ vì theo họ thì giai đoạn này đã thoát khỏi đêm đen của thời Trung Cổ.[139] Ta nên hiểu là điều kiện sống rất khác nhau ở phía bắc và nam dãy Alps, và thuật ngữ "Phục hưng" có thể đúng khi miêu tả một số tiến bộ về khoa học, nghệ thuật, văn hóa, nhưng không phải là xu hướng quyết định trong thời kỳ này.[89] Bên cạnh sự phục hưng thì còn có sự mất đi tính thống nhất của Giáo hội, sự suy giảm về dân số và sự xuất hiện của nhà nước quốc gia.[89]